Hiện tượng tích tụ hà là một trong những thách thức cấp bách nhất trong ngành công nghiệp vận tải biển. Hà bám làm giảm đáng kể tốc độ của tàu thuyền và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, từ đó gia tăng chi phí vận hành và lượng khí phát thải. Quá trình tích tụ hà góp phần gây phát tán các loài sinh vật xâm lấn, đe dọa đa dạng sinh học, sức khỏe hệ sinh thái, và ảnh hưởng đến đời sống của các cộng đồng ven biển trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), sự tích tụ vết bẩn trên thân tàu theo thời gian khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính tăng đáng kể. Năm 2018, IMO đã thông qua mục tiêu đến năm 2030 và 2050, giảm lần lượt 40% và 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong ngành vận tải biển toàn cầu so với mức của năm 2008. Trong nghiên cứu phát thải khí nhà kính lần thứ 4, IMO cho biết hoạt động vận tải biển đã thải ra khoảng 919 triệu tấn CO2 vào năm 2018. IMO cho rằng tình trạng tích tụ hà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho 9% của con số này, tương đương 83 triệu tấn CO2. Vì vậy, tiềm năng cải thiện là vấn về đáng được cân nhắc.
Mặc dù IMO xem tích tụ hà như một nguy cơ gây phát tán sinh vật ngoại lai toàn cầu và cũng là nguyên nhân làm quá tải lượng phát thải khí thải carbon, tình trạng hà bám không phải là vấn đề mới mẻ đối với các chủ tàu và đơn vị vận hành tàu. Với các đơn vị này, vấn đề cốt yếu luôn nằm ở khía cạnh kinh tế: tàu thuyền chạy chậm đồng nghĩa với việc hao hụt số chuyến; tốc độ chậm hơn, và mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn có thể phát sinh yêu cầu bồi thường và giảm sút hiệu quả kinh tế nếu tàu đang hoạt động theo hợp đồng thuê tàu có thời hạn.
Một sự bổ trợ cho sơn phủ chống hà
Để chống hà bám, các bên vận hành tàu thường lựa chọn sơn chống hà tùy theo các điều kiện vận hành cụ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào giải pháp này cũng tối ưu vì nhiều lý do khác nhau. Không phải tất cả chủ tàu đều có điều kiện mua sắm các dòng sơn phủ cao cấp, từ đó phát sinh nhu cầu tìm kiếm các dòng sản phẩm có giá cả phải chăng và phù hợp hơn. Ngoài ra, các con tàu cho thuê theo thời hạn thường chiếm một phần lớn trong đội tàu của nhà khai thác/ vận hành, đều sử dụng sơn phủ do chủ tàu lựa chọn. Sơn phủ và hiệu suất của sơn có thể ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu nhưng chủ tàu lại không chi trả cho chi phí nhiên liệu, do đó, bên thuê tàu sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro.
Rất ít tàu có hải trình thương mại hạn chế và ngay cả những loại tàu như vậy – như tàu chuyên tuyến – thường được đóng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải. Các nhà khai thác tàu chuyên tuyến thường cung cấp một số dịch vụ hoạt động ở các khu vực khác nhau trên thế giới và cũng thường chuyển đổi tàu giữa các tuyến vì các lý do liên quan đến vận hành. Điều này có nghĩa là tàu sẽ hoạt động trong nhiều môi trường rất khác nhau trong suốt vòng đời của lớp sơn phủ.
Đối với các loại tàu khác, hoạt động thương mại toàn cầu đồng ngĩa với việc hoạt động trong thời gian dài ở những khu vực có nhiều khả năng bị hà bám. Việc chuyển đổi loại hình hoạt động có thể khiến dòng sơn phủ đã chọn không còn phù hợp và gây tích tụ hà.
Thế khó của các bên vận hành
Đa số các bên vận hành tàu đều ý thức được tình trạng hà bám sẽ xảy ra, nhưng lại không thể đánh giá được chính xác mức độ tích tụ của hà cho đến khi tàu có dấu hiệu giảm hiệu suất. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tàu. Các yếu tố này có thể bao gồm; thời tiết, chất lượng của nhiên liệu, động cơ bị xuống cấp và ngay cả cách vận hàng của tàu trong các điều kiện thời tiết và tải trọng khác nhau.
Điều chắc chắn là hiệu suất và chi phí vận hành của tàu sẽ tăng lên. Đối với các nhà khai thác thuê tàu có thời hạn và chủ tàu trực tiếp vận hành, điều này làm phát sinh thêm chi phí và giảm hiệu suất. Đối với các chủ tàu không trực tiếp vận hành, có một bất lợi khi thương lượng các hợp đồng thuê tàu mới là tiềm năng thu nhập trong tương lai của tàu sẽ ít nhiều phụ thuộc vào hồ sơ kết quả hoạt động trước đây của tàu.
Sử dụng các phương pháp truyền thống như báo cáo vận hành hàng ngày của tàu có thể xác định hiệu suất của tàu, song việc thu thập đủ dữ liệu cần có thời gian và người giám sát có kinh nghiệm để phân tích một cách chính xác. Ngay cả những người giám sát giỏi nhất cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tàu và mức tiêu thụ nhiên liệu là do thời tiết hay các yếu tố khác.
Một số chủ tàu nỗ lực hiểu rõ hơn vấn đề thông qua việc đầu tư vào phần mềm giám sát hiệu suất. Một số phần mềm có thể rất hiệu quả nhưng ngay cả những phần mềm tốt nhất cũng cần diễn giải chính xác dữ liệu và việc diễn giải này gần như không đảm bảo. Thông thường, phần mềm sẽ chỉ cho biết vấn đề ngay tại giai đoạn hà bám nghiêm trọng. Trong thời gian đó, một lượng lớn nhiên liệu có thể bị tiêu hao không cần thiết.
Một số bên vận hành ưu tiên tiến hành các kiểm tra và đánh giá mạn dưới nước để báo cáo về tình trạng thân tàu và quản lý tình trạng hà bám. Có vẻ đây là một giải pháp hay, nhưng cũng rất khó để đánh giá tỷ lệ hà bám do mỗi nhà thầu lại áp dụng một phương pháp đánh giá khác nhau.
Kể cả khi đã xác định được tình trạng tích tụ hà, bước tiếp theo vẫn cần xem xét các giải pháp giải quyết vấn đề này. Điều này yêu cầu chú trọng xúc tiến các hoạch định về lịch trình của con tàu và các khu vực tiến hành làm sạch. Vệ sinh là một khâu phức tạp và tốn kém, có khả năng làm hư hỏng lớp sơn phủ và dẫn đến giảm sút hiệu quả khai thác tàu. Hoạt động này cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe và an toàn, cũng như khả năng gia tăng các chất ô nhiễm và rủi ro an toàn sinh học. Có thể điều này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn khi tàu dự kiến vào ụ khô, trong trường hợp đó nhà khai tàu có thể cho rằng việc tạm dừng tàu để vệ sinh là không kinh tế.
Để đối phó với cả áp lực về mặt pháp lý và thương mại, ngày càng nhiều đơn vị vận hành trông đợi vào các giải pháp cải tiến có thể bảo vệ cả tàu và môi trường, đồng thời giúp ngành hàng hải phát triển bền vững hơn trong tương lai. Giải quyết vấn đề tích tụ hà sẽ là bước đi đầu đem đến ảnh hưởng tích cực.